Bắc Minh Thần Công Võ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung

Bắc Minh Thần Công là một loại thượng thừa nội công tâm pháp trong truyện Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung. Có nguồn gốc từ phái Tiêu Dao được Đoàn Dự phát hiện cùng lúc với Lăng Ba Vi Bộ. Đây là một môn nội công có tác dụng hút nội lực của người khác để cho bản thân sử dụng. Toàn bộ Bắc Minh Thần Công gồm 36 bức hình dùng để miêu tả. Có ba người học được bộ võ công này là Vô Nhai Tử, Đoàn Dự, Hư Trúc. Trong đó, chỉ có Vô Nhai Tử là học xong toàn bộ còn Đoàn Dự chỉ học xong bức đầu tiên, Hư Trúc thì chỉ nhận được cách vận khí từ Thiên Sơn Đồng Lão.

Hóa công đại pháp

Hóa Công Đại Pháp là một môn nội công trong truyện Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung. Hóa Công Đại Pháp được sử dụng bởi Đinh Xuân Thu, bộ võ công này có mục đích là làm suy yếu nội lực của đối phương nhưng không thể đem nội lực của đối phương để cho bản thân sử dụng. Hóa Công Đại Pháp nguyên lý là hút chất độc từ các loài độc vật vào cơ thể sau đó đánh vào cơ thể của đối thủ để hóa giải đi nội công của đối thủ. Bộ võ công này khuyết điểm là phải hút chất độc hằng ngày để luyện công và cần dùng Thần Mộc Vương Đỉnh để luyện công. Đây cũng là nguyên nhân khi A Tử đánh cắp Thần Mộc Vương Đỉnh khiến cho Đinh Xuân Thu từ Tinh Túc phải trở về Trung nguyên.

Hấp tinh đại pháp

Bài chi tiết: Hấp tinh đại pháp

Hấp Tinh Đại Pháp là một môn nội công trong truyện Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Môn nội công này dùng để hút nội lực của người khác để cho chính mình sử dụng tương tự như Bắc Minh Thần Công, nhưng có vài chỗ khuyết điểm là:

  • Phải tán đi toàn bộ công lực trong cơ thể không còn có chút chân khí nào nếu như tán không hết hoặc là nội lực đi nhầm thì sẽ tẩu hỏa nhập ma. Nhẹ thì toàn thân tê liệt, nặng thì kinh mạch nghịch chuyển mà chết.
  • Sau khi tán công phải hấp thu nội lực của người khác để cho mình sử dụng. Bước này càng thêm khó khăn vì bản thân không có võ công lại phải đi hấp thụ nội lực của người khác chẳng khác nào lấy trứng chọi đá.
  • Lúc bắt đầu hấp thu sẽ không có cảm giác gì nhưng mà về sau thì những nội lực được hút vào cơ thể có thể sẽ đột nhiên cắn trả hút vào càng nhiều thì cắn trả càng mạnh.

Để thoát khỏi nội lực cắn trả thì có thể như Nhậm Ngã Hành tự tìm ra cách để áp chế hoặc là dùng Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm để hóa giải. Tuy nhiên cách áp chế như Nhậm Ngã Hành chỉ có hiệu quả tức thời chứ không hoàn toàn hiệu nghiệm, bằng chứng là cuối cùng Nhậm Ngã Hành cũng chết vì bị nội lực cắn trả, chỉ có cách luyện Dịch Cân Kinh mới hoàn toàn đồng nhất hết chân khí dị chủng.